Wednesday, May 7, 2008

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG
Tu viện Nguyên Thiều – Tỉnh Bình Định
------------ --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- ---------
Phật lịch 2552 Số 02/VTT/TĐ/TT


THÔNG ĐIỆP PHẬT ĐẢN 2552
CỦA ĐỨC ĐỆ TỨ TĂNG THỐNGGIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni,
cùng Đồng bào Phật tử thân mến,

Hôm nay hàng trăm triệu Phật giáo đồ trên thế giới đang hương hoa trầm đèn tỏ lòng hân hoan chào đón Đức Thích Ca ra đời. Cũng vậy, người Phật tử Việt Nam trong hay ngoài nước, đoàn tụ trước lễ đài vui mừng chào đón Khánh đản và rước Phật vào tâm trí. Hân hoan chào đón cùng phát tâm truyền đạt giáo lý cứu khổ trừ nguy của đức Thế tôn ra khắp mọi nơi và trên quê hương ; chí thành trải rộng con đường vạn lý của Bồ tát hạnh để trang nghiêm thế giới và hòa hợp chúng sinh.

Thưa quí Liệt vị,

Tám năm qua, Phật Đản không còn riêng cho Phật giáo đồ mà trở thành Ngày Tâm linh, Ngày Văn hóa cho toàn thể nhân loại, theo sự công nhận của gần hai trăm quốc gia thành viên LHQ. Sự tôn vinh Đức Phật nở rộ qua những thông điệp hằng năm của LHQ nói lên điều cao cả của Phật giáo :

“Thông điệp của Đức Phật là thông điệp về Hòa bình và Từ bi. Nhưng cũng là thông điệp của sự Tỉnh thức, tức quán chiếu bản thân và hành động của mình đồng thời quán chiếu thế giới. Đây là thông điệp cho những ai quan tâm đến hướng đi và vận mệnh của loài người (Thông điệp LHQ 2003). “Dù với nguồn gốc, chủng tộc, văn hóa hay tín ngưỡng nào, chúng ta nên nhớ là chúng ta có một quê hương chung, đó là hành tinh trơ trọi, nhỏ bé, là nơi chúng ta gắn bó và chung sống. Nên chúng ta hãy cùng nhau góp sức đem lại lợi ích chung trong cuộc sống hòa điệu và hòa bình giữa mọi sắc dân trên địa cầu” (Thông điệp LHQ 2005). “Hơn 2500 năm qua, bậc Đạo sư Đại giác Thích Ca Mâu Ni vẫn tiếp tục làm kim chỉ nam, mang lại ý nghĩa cho đời sống hàng triệu con người trên trái đất. Hàng năm tổ chức Đại lễ Phật Đản là cơ hội để những người con Phật xác quyết niềm tin vào giáo pháp của Ngài, đồng thời phát huy tinh thần Từ bi, Trí tuệ và Hòa bình mà Đức Phật đã truyền trao” (Thông điệp LHQ 2007).

Ba ngàn năm Phật giáo thế giới, hai ngàn năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, là lịch sử chưa bao giờ chấm dứt trong công cuộc giải thoát giác ngộ cho quần sanh, cứu khổ trừ nguy cho nhân dân và đất nước, thức tỉnh Phật tính trong lòng người và dìu dắt chúng sinh lên ngôi Phật. Phật giáo là sự đối diện chứ không quay lưng với xã hội, Phật giáo dấn thân vào nơi tham tàn, loạn tưởng của xã hội để tịnh độ hoá nhân gian.

Nhìn lại khối người 85 triệu mà chư Tôn đức Tăng Ni đang hoằng pháp lợi sinh, thì thấy kinh tế Việt Nam có chiều phát triển. Nhưng chênh lệch giàu nghèo ngày càng đào sâu thăm thẳm. Không chênh lệch giữa quốc dân, mà chênh lệch giữa giới quan lại và quần chúng, gây ra cảnh “nước giàu dân nghèo” mâu thuẫn với các khẩu hiệu Nhà nước đề cao.

Về đường tinh thần, mọi tự do cơ bản bị chà đạp, nên tôn giáo không phát triển, tệ nạn xã hội hoành hành và gia tăng. Việc giải thoát giác ngộ không thể xây dựng trên sự nghèo đói và thiếu tự do. Nay lại thêm chuyện lãnh thổ bị xâm lấn khiến lòng người ưu tư khắc khoải. Hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa đang trong cơn hấp hối, mà các nhà lãnh đạo đất nước làm ngơ. Không như thưở trước, dưới các triều Đinh, Lê, rồi Lý, Trần, Lê, từ vua quan, bậc Cao tăng và Phật tử cho đến toàn dân đều một lòng giữ nước. Vì giữ nước mới có đất nuôi dân. Vì giữ dân nên thăng hoa tinh thần và đạo lý làm nên văn hiến nước nhà.

Người Phật tử bồi đắp tâm linh bao nhiêu cho tiến trình giải thoát giác ngộ, thì càng bảo vệ lãnh thổ bấy nhiêu cho chủ quyền của nòi giống tự do thoát ly nô lệ.

Là Trưởng tử của Như Lai, là con của Phật, chúng ta không làm gì khác hơn trong đời này, ngoài việc cứu độ chúng sinh và truyền thừa chánh pháp. Chánh pháp không thể nở hoa nơi giang sơn nô lệ, chúng sinh không thể an lạc nơi áp bức, đói nghèo. Bản hoài xuất thế của chư Phật là xuất hiện nơi trần thế để cứu độ muôn loài.

Cuối năm ngoái, Hội đồng Lưỡng Viện đã ra Tuyên Cáo kêu gọi hợp quần cứu nguy, và Giáo hội sẵn sàng tham gia hậu thuẫn mọi công trình bảo vệ non sông và nòi giống, lẽ phải và tự do. Ấy là biểu hiện ý nghĩa xuất thế đại sự vừa nói trên.

Công việc ngàn năm một thưở đã thành sự thật, là số lượng người Việt đang có mặt đông đảo và sinh sống trên khắp địa cầu. Kính xin chư Tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử hãy gieo rắc hạt giống Chánh pháp của nền Phật giáo dân tộc, đóng góp cho hòa bình thế giới nhằm ngăn chận các hành xử bất bao dung của những ý thức hệ bạo động và khủng bố. Xu thế toàn cầu của sự đối thoại và cộng tác ngày nay đang cần giáo lý từ bi và trí tuệ của đạo Phật để thăng tiến. Đồng bào Phật tử trên khắp năm châu càng rạng rỡ bao nhiêu thì càng chiếu rọi trở về nơi quê hương cho nước Việt sớm huy hoàng.

Nhân mùa Phật Đản năm nay, xin chư liệt vị hãy hóa thân vào nền văn minh của trí tuệ Bát Nhã, làm bản tâm cho bậc nhân đức cứu nguy đất nước và loài người. Chẳng ai thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử đang ngày đêm làm rối loạn thể chất thế nhân. Nhưng với người thực hành Bồ tát đạo, thì sinh, lão, bệnh, tử lại là phương tiện tỉnh giác tiến hành cho sự lợi ích và giác ngộ muôn loài. Bằng cách đó mà chúng ta cúng dường ngày Phật Đản sanh.

Tu viện Nguyên Thiều, Phật Đản năm Mậu Tý
Đệ tứ Tăng Thống
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
(Ấn ký)
Tỳ kheo THÍCH HUYỀN QUANG



GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN HÓA ĐẠO
Thanh Minh Thiền Viện, 90 Trần Huy Liệu, P. 15, quận Phú Nhuận - TP Sài Gòn
------------ --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- --------- ---------
Phật lịch 2551 Số: 09/VHÐ/VT/VT


Thông Bạch Phật Đản PL 2552


Kính gửi:
Chư tôn Hoà thượng, Thượng toạ, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, Viện Tăng thống, Ban Chỉ đạo Viện Hoá Đạo.
Chư tôn Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni Hội Đồng Điều Hành Văn phòng II Viện Hoá Đạo, GHPGVNTN Hải ngoại tại Hoa Kỳ và các Châu lục.
Ban Đại diện GHPGVNTN các miền, các tỉnh thành.
Các Huynh Trưởng Ban Hướng dẫn Gia Đình Phật tử Việt Nam các miền, các tỉnh thành.
Phật tử các giới trong, ngoài nước.


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật


Kính bạch chư tôn Hòa Thượng chư Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng, Ni.
Cùng Phật tử các giới,

Hôm nay là ngày trăng tròn tháng Vesakha Ấn độ, nhằm ngày rằm tháng tư Âm lịch, hằng trăm triệu người con Phật khắp năm châu bốn biển lại hân hoan đón mừng lễ kỷ niệm Đản Sanh lần thứ 2552 của đấng Cha lành muôn loại. Hoà mình trong niềm vui chung đó, hàng triệu người Việt Nam con Phật, từ thành thị đến nông thôn, núi cao rừng rậm, cũng đang nô nức dọn lòng đón nhận ngày vui muôn thuở, ngày đức Phật đản sanh.

Kính thưa chư liệt vị,

Đức Phật Thích Ca xuất hiện ở thế gian không phải vì mục đích ngự trị thế gian mà chính là để cứu giúp thế gian, đưa mọi loài chúng sanh ra khỏi ngôi nhà thế gian đang bừng cháy. Ngài dạy, ta vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời. Đại sự đó, chính là khai mở trí tuệ giác ngộ giải thoát cho hết thảy sinh loại ra khỏi vùng tham ái chấp thủ.

Thật vậy, từ thuở bình minh của lịch sử, Đức Phật đã mở ra một cuộc chuyển hóa con người toàn diện, cuộc chuyển hóa có ý nghĩa nhất trong lịch sử nhân loại. Vì những phương tiện để thực hiện cuộc chuyển hóa ấy không làm bằng xương máu, bom đạn, mánh khoé mưu mô lừa đảo của trần thế, nó vượt ra ngoài thời gian và không gian để trở thành một cuộc chuyển hóa vô tiền khoáng hậu.

Cuộc chuyển hóa của đức Phật như vậy, không mang ý nghĩa thường tình mà vượt lên trên ý nghĩa đó, vì trước tiên nó là một hành vi chuyển hóa tâm linh ở mỗi cá nhân con người, để từ đó con người tự mình vươn lên giác ngộ giải thoát.

Từ ý nghĩa đó, mùa Phật Đản năm nay, chúng tôi thay mặt Ban Chỉ đạo Viện Hoá Đạo gửi đến chư liệt vị các Phật sự được thực hiện trong mùa Phật Đản PL 2552 (tùy theo hoàn cảnh và mức độ đàn áp của từng địa phương) như sau:

Thứ 1: Để lễ kỷ niệm Đản Sanh của đức Thế Tôn thêm nhiều ý nghĩa, đặc biệt năm nay, Tăng ni Phật tử chúng ta, hãy mở lòng đón nhận trọn vẹn ân đức của Phật tổ, của chư đại Bồ tát, liệt vị tổ sư tiền bối, chư vị hộ pháp thiện thần, anh linh các Thánh tử đạo... tâm thành đốt nén hương lòng kính dâng lên đức Từ phụ, qua đó bằng tâm hồn thanh thản trong sáng và ý thức trách nhiệm, chúng ta khắc sâu và dặn lòng về những lời giáo huấn di chúc của Ngài, để làm hành trang phụng đạo giúp đời.

Thứ 2: Các miền, các tỉnh thành. Ban Đại Diện GHPGVNTN nỗ lực thiết trí lễ đài hành lễ, hoặc trình bày một vài hoạt cảnh xưyên qua các giai đoạn lịch sử đức Phật, Đản sanh, Xuất gia, Thành đạo, Thuyết pháp, Niết bàn; để tưởng niệm công hạnh hành hoá của đức Phật, để mọi giới Phật tử có dịp lễ bái, chiêm ngưỡng.

Thứ 3: Trong tuần lễ Phật Đản PL 2552, bằng tất cả ý thức, toàn thể Tăng ni Phật tử chúng ta trong và ngoài nước, hãy nỗ lực thực hiện Giới - Định - Tuệ có hiệu quả, để trang nghiêm tự thân; chấp hành giới luật để duy trì mạng mạch của Phật Pháp.

Tham gia các buổi lễ cầu nguyện cho GHPGVNTN sớm được phục hoạt; các lãnh đạo tối cao của Gíao hội, chư tôn Hoà thượng, Thượng toạ trong Hội Đồng Lưỡng Viện, các Tăng sĩ, Cư sĩ Phật tử đang bị nhà nước quản chế hoặc bức hại sớm được trả lại quyền tự do đi lại và quyền tự do hành Đạo. Tổ chức thăm viếng chư Tôn đức Tăng ni và các Cư sĩ... vì tham gia sinh hoạt với GHPGVNTN mà gặp phải hoạn nạn, hoặc đang lâm bệnh. Tổng Vụ Từ Thiện Xã hội tổ chức các cuộc thăm hỏi và tặng quà Phật đản tại các cơ sở từ thiện xã hội trong thành phố tùy theo khả năng.

Sau hết, đối với ngày lễ Phật Đản Vesak năm 2008 của Liên Hiệp Quốc mà Nhà cầm quyền Cộng sản Hà Nội đăng cai tổ chức tại Hà Nội, chúng tôi nhận định rằng,

Đối với tổ chức Liên Hiệp Quốc, cách đây nhiều năm, đã công nhận Phật Đản là ngày nghỉ lễ của tổ chức lớn nhất thế giới nầy. Chúng ta thấy đây là niềm vui, thật sự là niềm vui chung của mọi người. Chúng ta vui, không phải vui vì tổ chức Phật giáo trở nên lớn hơn; mà chúng ta vui vì LHQ đại diện cho tất cả các quốc gia trên thế giới, đều thấy rằng, đời sống đức Thích Ca là một tấm gương sáng; những giáo lý của Ngài là kho tài sản tâm linh vô cùng quý báu, là những chuẩn mực về một xã hội an lành hạnh phúc cho nhân loại, cần được ghi nhận và học tập.

Đối với nhà nước Cộng sản Việt Nam, bản chất của cộng sản là vô thần. Vô thần trong triết học, vô thần trong hành động. Tôn giáo là thuốc phiện, Tôn giáo là lưu manh, “ phải đào tận gốc, tróc tận ngọn”. Trên thực tế hơn 60 năm qua trên cả hai miền Nam Bắc Việt Nam, Cộng sản Việt Nam có thương gì các tôn giáo đâu ? Có thương gì Phật giáo đâu ?! Lợi dụng được thì làm bàn đạp tiến thân và tồn tại; không lợi dụng được thì “đào”, “ tróc”. Đó là bản chất cố hữu của Cộng sản Việt Nam, xin đừng quên.

Hơn 30 năm qua, sau ngày cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, vi phạm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Cộng sản Việt Nam đã gây ra không biết bao nhiêu điêu linh thống khổ cho dân tộc. Cùng chung vận nạn với toàn dân, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cũng đã liên tục bị đàn áp, bức hiếp, hãm hại. Vậy mà nay Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam lại bày trò đăng cai tổ chức lễ Phật đản Vesak 2008, chúng tôi không tin sự kiện này phát xuất từ cõi lòng chân thật của Cộng sản đối với Đức Phật, đối với Phật giáo, mà xuất phát từ động cơ chính trị, lợi dụng Phật đản để sơn phết bộ mặt yếu kém về tự do, dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo của cộng sản Việt Nam trước đông đảo quan khách quốc tế đến tham dự Phật đản Vesak 2008 tại Hà nội.

Chúng ta chỉ cần đọc qua các tiết thứ về cách tổ chức, về nhân sự, về nội dung, thời gian, địa điểm, người đọc diễn văn khai mạc, bế mạc... cũng đủ thấy mưu toan của chính quyền Hà Nội muốn gì qua tổ chức lễ Phật Đản Vesak này.

Từ suy nghĩ này, GHPGVNTN, trong hoàn cảnh đang bị Cộng sản Việt Nam truy quét, bức tử, nên không tham dự, cũng không cử đại biểu tham dự; và tuyên cáo với nhà cầm quyền VN , đảng Cộng sản Việt Nam rằng, cái gì của Phật giáo hãy trả lại cho Phật giáo. Không cần biểu diễn (các ý kiến trên đây cũng để trả lời cho nhiều giới Phật tử, đã đặt với GHPGVNTN).

Kính thưa quý liệt vị,

Để tuần lễ kỷ niệm Phật Đản PL 2552 được thành tựu viên mãn, kính mong chư tôn Hoà thượing, Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni và Phật tử các giới trong và ngoài nước thực hiện đầy đủ nội dung thông bạch này.

Trân trọng kính chúc chư tôn đức và toàn thể Phật tử một mùa Phật Đản PL 2552 an vui dưới ánh hào quang chư Phật.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát

Thanh Minh Thiền Viện, ngày 18 tháng 4 năm 2008
Viện trưởng Viện Hoá Đạo
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
(Ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ


Nơi nhân:
Như trên
HĐ Giáo Phẩm VTT. “để đệ trình”.
BCĐ Viện Hoá Đạo.
HĐ ĐH VP II VHĐ GHPGVNTN HN tại Hoa Kỳ và các châu lục.
BĐD, các miền, tỉnh thành “để bằng hành”.
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế “để phổ biến”.
Hồ sơ lưu.
* Chống Lạm Phát Hay Lại Cơ Hội Làm Ăn Trên Đầu Dân Nghèo

Ngô Văn

Từ đầu năm 2008, giá gạo và ngũ cốc ở khắp nơi trên thế giới tăng mạnh khiến cho cuộc sống của người dân nghèo tại nhiều quốc gia gặp khó khăn tới độ khủng hoảng. Thế giới đang phải đối đầu với nạn thiếu lương thực, ở nước Haiti thuộc Trung Mỹ, vật giá leo thang khủng khiếp. Vào đầu tháng 4/2008 giá 50kg gạo đã lên đến 70 mỹ kim, tức tăng gấp ba lần so với tháng trước. Xăng dầu cũng tăng theo tỷ lệ này. Trong khi đó, lương của người lao động tại đây chỉ khoảng 2 USD một ngày. Tình trạng dân nghèo hoảng hốt trong lúc giới cầm quyền vẫn làm ngơ hưởng thụ tất nhiên dẫn đến cảnh hỗn loạn xã hội qua các cuộc xuống đường biểu tình và bạo động. Ít là 6 người dân Haiti bị thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương. Đến khi đó Tổng thống Haiti mới cắt chức Thủ tướng và hứa sẽ cho hạ giá gạo và một số nhu yếu phẩm. Quốc hội Haiti thì yêu cầu phải giải tán toàn bộ nội các. Tại thủ đô Kairo của Ai Cập, tuy tình trạng hoảng hốt không bằng ở Haiti, nhưng người dân cũng tràn ra đường, xông vào các cửa hàng thực phẩm để kiếm thức ăn. Công nhân các hãng dệt đình công đòi tăng lương với các biểu ngữ mang hàng chữ ''Chúng tôi đói !''. Tình hình trở nên căng thẳng khi cảnh sát đến bắt những người mà họ nghi là cầm đầu các cuộc đình công. Liền sau đó hàng ngàn người kéo đến sở cảnh sát biểu tình đòi phải thả những người đã bị bắt. Cảnh sát bắt đầu dùng bạo lực giải tán số người biểu tình. Dân chúng phản kháng lại bằng gậy gộc và gạch đá. Cảnh hỗn loạn kéo dài đến mấy ngày mới tạm yên nhưng nỗi bất mãn của người dân về tình cảnh vật giá tăng nhanh như ''hỏa tiễn'' không hề lắng dịu. Thủ tướng Ai Cập cũng lên tiếng hứa hẹn sẽ ổn định giá cả các mặt hàng nhu yếu trong vài tuần tới nhưng chẳng ai tin.Bước sang Á châu thì Bắc Triều Tiên là nước thiếu lương thực trầm trọng nhất. Việc phân phối thực phẩm theo tem phiếu cho người dân thủ đô Bình Nhưỡng, vốn đã rất ít ỏi, cũng bị tạm ngưng ít nhất trong vòng 6 tháng cho đến khi nào có lệnh mới. Lệnh mới ở đây phải hiểu rằng cho đến khi nào có lương thực. Một tổ chức có tên ''Người Bạn Tốt'' của Nam Hàn chuyên viện trợ lương thực nhân đạo cho Bắc Hàn cho biết vào đầu tháng 3/2008, người dân thủ đô Bình Nhưỡng vẫn được phát tem phiếu nhưng không còn nơi nào để đổi tem phiếu lấy thực phẩm. Chỉ dấu sẽ có chết đói tại nhiều vùng thuộc Bắc Hàn và ngay cả tại thủ đô Bình Nhưỡng đang là mối lo lắng cho nhiều thân nhân của họ tại Nam Hàn. Một tin xấu khác cũng đang được các chuyên gia nông nghiệp cảnh báo. Hàng năm vào tháng 4 là thời kỳ gieo mạ cho vụ mùa Xuân Hạ ở Bắc Triều Tiên, thế mà cho đến đầu tháng 5 vẫn còn rất nhiều nông dân chưa được các Hợp tác xã nông nghiệp phân phối lúa giống, phân bón, vải nylon để che mưa, ngăn gió và những vật dụng cần thiết khác cho việc canh tác. Các chuyên gia này lo ngại nếu hụt vụ mùa này, nạn chết đói tại Bắc Hàn sẽ còn khủng khiếp hơn nữa. Với kinh nghiệm quá khứ, họ chắc chắn rằng Nhà Nước Bắc Hàn sẽ chỉ cấp phát lương thực thường xuyên cho bộ máy trấn áp, là công an và quân đội, mà thôi, để làm công việc mà Nhà Nước gọi là "duy trì ổn định và trật tự xã hội".Tại Philippines, giá gạo cũng bỗng nhiên tăng vụt vào giữa tháng 4/ 2008 từ 18 peso/kg lên thành 38 peso/kg, bất kể các tin tức tiên đoán năm nay Phi sẽ trúng mùa. Trước cơn lo lắng vô căn cứ này, chính phủ Phi phải lập tức ban hành một số biện pháp đối phó: Thứ nhất, quảng bá các dữ kiện về tình hình tồn trữ các kho gạo quốc gia; Thứ nhì, xuất ra một số gạo bán cho dân nghèo với giá 18 peso/ kg, tức giá trước khi cơn sốt gạo xảy ra; Thứ ba, mở cuộc truy lùng những gian thương đầu cơ tích trữ gạo để tạo khan hiếm giả tạo; Và thứ tư, liên lạc ngay với chính quyền Thái và Việt Nam để mua thêm gạo tồn kho. Người dân Phi Luật Tân thoát qua cơn thử thách đầu tiên. Xã hội Phi tiếp tục ổn định và trật tự mà không cần đến lựu đạn cay hay hàng hàng lớp lớp công an chìm nổi.Sau hết, về trường hợp Việt Nam, các chuyên gia nông nghiệp quốc tế tin là Việt Nam hiện có đủ gạo cho cả nước nhưng không thể khẳng định, vì các dữ kiện kinh tế đều bị Nhà Nước CSVN xem là bí mật quốc gia và dấu kín. Còn các con số họ đưa ra thì không ai dám tin. Bên cạnh đó, những lời tuyên bố của Nhà Nước CSVN về việc ngưng xuất cảng để bảo đảm đủ gạo cho dân vào tháng trước, hóa ra chỉ là thủ thuật để mặc cả giá bán gạo cho Philippines. Còn tại các miền thôn quê, nhiều cán bộ nhân danh chính sách kềm chế lạm phát và bảo đảm an toàn lương thực quốc gia để thu mua độc quyền nông phẩm với giá rẻ mạt. Trong lúc nông dân Thái Lan cũng bán gạo cho Philippines thu được khoảng 1000 mỹ kim mỗi tấn, thì nông dân Việt Nam phải bán cho cán bộ thu mua 500 mỹ kim một tấn. Như mọi vấn nạn khác trong xã hội Việt Nam, nạn lạm phát và khan hiếm lương thực hiện nay, chỉ mở ra những cơ hội làm ăn cho vô số những đường giây cán bộ có chức có quyền trong chế độ, bất kể những cơn đói khổ rất thật, đang hành hạ tầng lớp dân nghèo tại Việt Nam, đặc biệt là tại các thành thị. Điều đáng nói là bất cứ ai dám chỉ ra cái cảnh tai ác ấy đều lập tức bị liệt vào loại "phá hoại ổn định và trật tự xã hội", mà Đảng và Nhà Nước CSVN cương quyết duy trì.
Người và cờ Trung Quốc trên đường phố Sài Gòn
Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
2008-05-02
Ngọn đuốc thiêng Olympic 2008 đã rời Việt Nam. Hôm nay đuốc đã đến Macao và chỉ trong vòng ít giờ đồng nữa sẽ trở lại Hoa Lục, khởi đầu một cuộc hành trình mới trước khi tiến vào vận động trường Bắc Kinh trong buổi lễ khai mạc tổ chức ngày mùng 8 tháng Tám, 2008.
Để ngăn chận các cuộc biểu tình chống Trung Qốc, an ninh được tăng cường tối đa cho lễ rước đuốc Olympic Bắc Kinh tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 29-4-2008.
Chuyến du hành qua nhiều quốc gia khác nhau của ngọn đuốc đã khiến cho mọi người phải chú ý. Chú ý không phải vì lộ trình, cũng chẳng phải vì ý nghĩa thể thao, mà bởi những cuộc biểu tình rầm trộ xảy ra ở nhiều nơi với mục đích phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh đàn áp người dân Tây Tạng, không thực hiện đúng lời cam kết cải tiến nhân quyền mà họ đã tự hứa với cộng đồng thế giới cách đây 7 năm, khi được trao vinh dự tổ chức cuộc tranh tài thể thao lớn nhất thế giới.
Chỉ có 2 địa điểm ngọn đuốc đi qua và không gặp trở ngại. Địa điểm đầu tiên là thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Hàn. Qua chỉ thị của nhà nước, từ sáng sớm đã có hàng trăm ngàn người dân xếp hàng dọc hai bên đường phất cờ chào đón ngọn đuốc thiêng. Địa điểm thứ hai là thành phố Sài Gòn, nơi tất cả những ý định biểu tình phản đối việc Trung Quốc chiếm 2 vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều bị nhà nước Việt Nam ngăn chận. Có nhiều người bị bắt giữ, cũng có người đã được thả, và cũng vẫn có người chính thân nhân không biết đang bị giam cầm nơi nào.
Đuốc Olympic Bắc Kinh đã đến và đã rời khỏi Sài Gòn, để lại một vệt đỏ thật đậm trên lãnh thổ Việt Nam. Vệt đỏ đó là rừng cờ Trung Quốc, là hàng ngàn người Hoa diễu hành ngay trên đường phố trước sự ngỡ ngàng của người dân Việt. Sự kiện đáng chú ý này chính là đề tài được Ban Việt Ngữ chúng tôi chọn để gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần. Tạp chí tuần này được thực hiện với sự cộng tác của Nam Nguyên ở Bangkok, Nguyễn Khanh và Trà My ở Washington. Bài do Thiện Giao đọc.


Chỉ toàn người Trung Quốc
Người, cờ và bản đồ Trung Quốc tràn ngập đường phố Sài Gòn trong lễ rước đuốc Olympic Bắc Kinh hôm 29-4-2008. AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam.
Ngọn đuốc Olympics Bắc Kinh 2008 vào Sài Gòn, được rước qua nhiều đường phố trong vài tiếng đồng hồ để rồi sau đó lên đường sang Hồng Kông. Ở Sài Gòn không lâu, nhưng có lẽ, ngọn đuốc ấy đã để lại nhiều suy nghĩ, nhiều bất bình trong lòng người dân Sài Gòn.
Một khu vực, nằm ngay trung tâm thành phố, trong một buổi chiều ngày 29 tháng Tư, chỉ toàn người Trung Quốc, cờ Trung Quốc, tiếng nói Trung Quốc. Tất cả là Trung Quốc, trong sự im lặng của một số rất ít người Việt Nam bàng quang đứng ngó.
Rất đông người. Đa số là Trung Quốc, treo cờ, hò vui. Không thấy Việt Nam. Tôi thấy toàn cờ Trung Quốc, tôi biết đó là người Trung Quốc, nhưng tôi không biết đó là Hoa Kiều hay là từ Trung Quốc sang.
Một phụ nữ Việt Nam nhìn tận mắt buổi lễ rước đuốc Olympics chiều 29 tháng Tư đã kể như vậy với phóng viên Trà Mi của đài Á Châu Tự Do. Ngay trong một thư e-mail viết vội cũng gửi từ Sài Gòn, một nhà báo kể lại:
Các bạn ạ, tôi thấy người Việt nhìn ngọn đuốc như một vật lạ, trong khi cả ngàn người Trung Quốc reo hò. Hình như có cả nhân viên an ninh Trung Quốc nữa. Tôi biết được chuyện này vì đứa bạn cầm máy ảnh chạy theo định chụp tấm hình, bị thằng an ninh canh đuốc cản. Bạn tôi phản đối nó bằng tiếng Việt, nó mắng lại bằng tiếng Trung.
Các bạn ạ, tôi thấy người Việt nhìn ngọn đuốc như một vật lạ, trong khi cả ngàn người Trung Quốc reo hò. Hình như có cả nhân viên an ninh Trung Quốc nữa. Tôi biết được chuyện này vì đứa bạn cầm máy ảnh chạy theo định chụp tấm hình, bị thằng an ninh canh đuốc cản. Bạn tôi phản đối nó bằng tiếng Việt, nó mắng lại bằng tiếng Trung.
Ngày hôm sau, chúng tôi gọi điện thoại về Việt Nam tìm hiểu trong giới văn nghệ sĩ phản kháng. Phản ứng đầu tiên, là tất cả yêu cầu không thâu âm và phát giọng nói. Giới nghệ sĩ cho biết, họ bị theo dõi rất sát, và thậm chí được yêu cầu không rời nhà để đến nơi tổ chức lễ rước đuốc ở trung tâm thành phố.
Thông tin từ trong nước cho biết, đêm 28 tháng Tư, tức là một đêm trước ngày rước đuốc, những nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Viện, Thận Nhiên, Trịnh Cung, Nguyễn Quốc Chánh bị công an đến nhà xét hộ khẩu. Sang ngày hôm sau, một số người trong số này bị gọi lên và giữ lại công an phường cho đến sau khi cuộc rước đuốc kết thúc.
Một phụ nữ Việt kiều Pháp, có tên là Trần Dung Nghi, đã có mặt tại Sài Gòn trong những ngày trước, trong và sau khi rước đuốc. Chị Dung Nghi, một đảng viên của Đảng Việt Tân, kể về những cảm giác của chị khi nhìn thấy người Trung Quốc quá đông ngay khu trung tâm Sài Gòn.
Thú thật, tôi rất xốn xang, bực mình. Tôi nghĩ là tôi đang ở trên quê hương tôi, trên đất nước Việt Nam. Tôi thấy như một cuộc xâm lăng của Trung Cộng. Tôi thấy cờ của họ, tôi nghe họ xí xa xí xồ. Tôi thấy họ tự hào.
Điều đặc biệt, trong một vài thời khắc tại Sài Gòn, chị Dung Nghi đã mặc trên người chiếc áo chị từng mặc trong các cuộc biểu tình chống đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh khi ngọn đuốc đi qua Paris. Trên chiếc áo ấy là hình năm chiếc còng tay.
Chị nói tiếp: Tôi về Việt Nam với tâm trạng phấn khởi. Tôi muốn sát cánh với sinh viên để biểu dương tự hào của người Việt Nam chống lại việc xâm lăng Hoàng Sa, Trường Sa. Khi tôi thấy những đoàn người và cờ Trung Cộng, tôi cảm thấy rất bực mình. Tôi có cảm giác, một lần nữa, đất nước của ta lại bị xâm chiếm.
Người dân uất giận
An ninh được tăng cường tối đa cho lễ rước đuốc Olympic Bắc Kinh tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 29-4-2008.
Trở lại với những người còn ở Việt Nam, chúng tôi tìm cách liên lạc, và bất ngờ được biết nhạc sĩ Mặc Thiên, người nhạc sĩ bí mật sáng tác nhạc phẩm Khóc Mẹ Dân Oan được phát hành cách đây ít lâu, cũng có mặt tại khu vực nhà hát thành phố. Anh cho biết, sau một thời gian đi lánh ở tỉnh xa, Mặc Thiên quyết định về Sài Gòn vào ngày rước đuốc để biết tình hình. Sau đó, anh rời Sài Gòn vào ngày 30 tháng Tư. Mặc Thiên kể về tâm trạng của anh khi nhìn thấy quang cảnh buổi rước đuốc. Chúng tôi trình bày sau đây qua một giọng đọc khác, theo yêu cầu của chính Mặc Thiên.
Nói chung, người Việt Nam mà nhìn thấy cảnh đó thì không cầm lòng được. Người nào cũng mang cảm giác uất lắm. Người dân thường không tiếp cận khu vực đó được. Toàn bộ khu vực đó dành cho Trung Quốc và đoàn viên thanh niên đi chung với họ. Chỉ toàn Trung Quốc, không có Việt Nam. Như mình, một người Việt Nam, mình cảm thấy bực mà không làm gì được. Có người bật khóc. Chính bản thân tôi cũng không chịu được. Tôi cảm thấy bất lực trước cảnh đó. Tất cả khu vực đó là của người Trung Quốc chứ không có người Việt, cho dù là Việt gốc Hoa.
Mặc Thiên kể rằng, anh lái xe gắn máy chạy vòng vòng xung quanh để xem. Anh không đứng một chỗ, mà cũng không thể nào đứng yên một chỗ. Anh nói, đi đến đâu cũng thấy Trung Quốc, toàn cờ Trung Quốc. Cờ Trung Quốc lấn cả cờ Việt Nam.
Tôi cảm thấy nghẹn lời. Đi mà không cầm lòng được. Tôi nghĩ ai cũng vậy, cũng cảm thấy uất như tôi. Tôi nói chuyện với một số người Việt Nam, họ nói như thế này: "Thua rồi." Tôi không biết dùng từ gì cho đúng. Tôi cảm thấy nhục nhã là Việt Nam phải tung hô cho Trung Quốc.
Anh kể tiếp: Người Trung Quốc tỏ ra nghênh ngang. Họ nghêng ngang trước những người Việt cúi đầu. Mà dân Việt thì không cúi đầu đâu. Tôi biết ai cũng bực. Tôi không coi đến hết buổi. Tôi không chịu được cảnh đó, tôi sợ mình sẽ làm điều gì không tốt xảy ra. Tôi đã bỏ đi. Tôi cảm thấy nhục.
Những lời kể của Mặc Thiên phù hợp với lời mô tả của một phụ nữ kể cho đài Á Châu Tự Do hôm 29 tháng Tư.
Việt Nam của mình thì tò mò, ham vui, xem quang cảnh chứ không ủng hộ. Còn người Trung Quốc thì đó là niềm vui của họ, họ phấn khởi, reo hò rất lớn. Không thấy cờ Việt Nam. Tôi đi từ chiều đến giờ chỉ thấy toàn cờ Trung Quốc, không thấy cờ Việt Nam. Cờ Việt Nam chỉ treo trên cột đèn thôi.
Việt Nam của mình thì tò mò, ham vui, xem quang cảnh chứ không ủng hộ. Còn người Trung Quốc thì đó là niềm vui của họ, họ phấn khởi, reo hò rất lớn. Không thấy cờ Việt Nam. Tôi đi từ chiều đến giờ chỉ thấy toàn cờ Trung Quốc, không thấy cờ Việt Nam. Cờ Việt Nam chỉ treo trên cột đèn thôi.
Cuộc rước đuốc Thế Vận Hội vào Sài Gòn hôm 29 tháng Tư bắt đầu từ Nhà hát Thành Phố Sài Gòn, chạy qua các đường chính như Nguyễn Huệ, Paster, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trổi, Trường Sơn và kết thúc tại Nhà thi đấu Quân khu 7.
Dân chúng thất vọng
Trong khi các báo trong nước loan tin là cuộc rước đuốc diễn ra êm thắm, đượm tình hữu nghị Việt – Trung, thì một số cơ quan thông hải ngoại qua thu nhập tin tức từ trong nước lại có những thông tin khác.
Bản tin “Tiếng Nói Tự Do Dân Chủ” mô tả rằng, “Một rừng cờ đỏ Trung Quốc tràn ngập dọc theo lộ trình rước đuốc. Từng nhóm hàng chục Hoa kiều, một số sống hoặc làm việc tại Việt Nam, số đông còn lại đã đến Việt Nam để đón ngọn đuốc, cầm các lá cờ Trung Quốc lớn quá khổ và mặc các áo T-shirt màu trắng mang các hàng chữ "we love China," tức là "Tôi Yêu Trung Quốc" và "we are proud to be from China," tức là "Chúng Tôi Hãnh Diện Đến Từ Trung Quốc,” tưng bừng la hét dọc theo lộ trình.
Bản tin viết tiếp, những người Trung Quốc la lớn những khẩu hiệu "Go China: và "Come on China" giữa những tiếng động ồn ào của xe gắn máy và tiếng còi xe inh ỏi.
Một người Việt Nam, thường để tâm quan sát các sự kiện chính trị, vừa sang Hoa Kỳ, đưa ra nhận định của anh về buổi lễ rước đuốc tại Sài Gòn hôm 29 tháng Tư.
Những sự việc đã xảy ra, làm cho dân chúng, thanh niên, sinh viên, trí thức thất vọng. Nhưng tôi tin còn một điều nguy hiểm hơn. Đó là, lần này, không phải vì những thế lực thù địch như chính quyền Cộng Sản hay nói, mà chính sự bạc nhược của chính quyền quá rõ ràng. Mà sự bạc nhược ấy rõ ràng đến độ, an ninh, công an, cảnh sát và cả bộ đội, cũng nhận ra.
Người thanh niên này nhận xét thêm, rằng, chính quyền Việt Nam đã tính toán rất kỹ phương cách dẫn hướng không khí cuộc rước đuốc vừa qua. Tuy nhiên, những gì đã xảy ra cho thấy, tính toán ấy sai lầm về mặt chiến thuật. Anh cho rằng, chính quyền có nhu cầu duy trì quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, đồng thời phải ngăn chặn cho được biểu tình. Mà mục đích ngăn biểu tình không chỉ là để làm vừa lòng Trung Quốc, mà còn vì e ngại biểu tình đưa đến những bất ổn xã hội.
Công an Hà Nội tóm bắt sinh viên Nguyễn Tiến Nam tại chợ Đồng Xuân trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc nhân dịp rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 ở Sài Gòn chiều tối 29-4-2008.
Chẳng hạn họ từng cấm diễn những vở kịch chống xâm lược phương Bắc, đổi sách giáo khoa, bỏ những bài có nội dung tương tự, hay những nội dung vốn đã là lịch sử như Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Thái Hậu Dương Vân Nga. Rồi những thắc mắc về tình hình vừa qua liên quan đến hiệp định biên giới Việt Trung trên đất liền, trên biển. Những động thái im lặng khi ngư dân Thanh Hoá bị Trung Quốc bắn, hay ngư dân các tỉnh khác bị cảnh sát biển và Hải Quân Trung Quốc bắt. Chính quyền Việt Nam lo sợ các cuộc biểu tình chống Trung Quốc còn bởi vì các cuộc biểu tình ấy là bước khởi đầu để bùng phát các cuộc biểu tình khác, dữ dội hơn, trong chuyện chống bất công, tiêu cực xã hội, đòi tự do, dân chủ, nhân quyền.
Ngọn đuốc Thế Vận Hội gặp phải sự chống đối trên hầu hết lộ trình quốc tế kể từ ngày khai diễn đến nay. Từ Paris, đến Luân Đôn, đến San Francisco, nơi đâu cũng có nhiều ngàn người bủa vây phản đối. Đến khi đi vào các quốc gia Châu Á, người Trung Quốc bắt đầu xuất hiện rất đông để chống lại tinh thần bài xích Olympics Bắc Kinh. Đặc biệt, tại Hàn Quốc và Nhật Bản, cảnh sát các nước sở tại đã phải chật vật giữ trật tự để hai nhóm biểu tình không đụng độ nhau.
Tại Sài Gòn, đụng độ không xảy ra. Người Trung Quốc được chính quyền Việt Nam ưu tiên sử dụng khu trung tâm thành phố. Còn những người Việt Nam khác, chỉ là người bàng quan, đứng nhìn từ xa. Có người bật khóc. Tiếng khóc uất nghẹn, như những nốt nhạc nghẹn ngào của nhạc sĩ Mặc Thiên mà quý thính giả đang nghe.
Cũng có người chợt nhớ lại khoảng ngày này 33 năm trước, những lá cờ đỏ tràn ngập Sài Gòn. Ba mươi ba năm sau, cũng những lá cờ đỏ tràn ngập thành phố Hồ Chí Minh. Lá cờ Việt Nam màu đỏ, cờ Trung Quốc cũng màu đỏ. Cờ Việt Nam chỉ có một sao, trong khi cờ Trung Quốc có tới 5 sao. Thư e-mail của nhà báo Việt gửi từ Sài Gòn kết thúc với câu hỏi cay đắng: “có phải vì Trung Quốc có nhiều sao, nên bao giờ họ cũng đi nước cờ cao hơn mình???"
Không ai có được câu trả lời, và cũng chẳng có câu trả lời nào sẽ được xem là thoả đáng. Chỉ biết trong khoảng thời gian kéo dài chừng 4 tiếng đồng hồ của một ngày cuối tháng Tư năm 2008, dưới một góc nhìn nào đó, mọi người đều mang trong lòng một cảm nhận, rằng trung tâm thành phố Sài Gòn đã bị kiểm soát bởi một đám người đến từ phương Bắc, không còn là Hòn Ngọc Viễn Đông của người Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Red-Flags-In-Saigon-Khanh-04292008123937.html